Đời sống

3 thói quen chi tiêu trói người trẻ vào cái nghèo, khiến tiết kiệm trở thành chuyện xa vời

Được tài trợ

Nếu bạn vẫn còn duy trì 3 thói quen chi tiêu này, cảm thấy “mình nghèo” là điều hiển nhiên, không có gì lạ.

“Nghèo”, “không có tiền”, “chẳng có dư” có lẽ là những lời miêu tả ngắn gọn nhất mà không ít người sẽ dùng để nói về tình hình tài chính của bản thân trong năm qua.

Không thể phủ nhận năm 2023 là một năm kinh tế khó khăn. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi về căn nguyên, gốc rễ làm nên… cái sự nghèo của mình hay chưa? Đây là hệ quả do các yếu tố khách quan (lương giảm, thị trường đầu tư đi xuống,…) hay thực chất là do yếu tố chủ quan – những thói quen do chính mình tạo ra, để tự trói mình trong cảnh “không có tiền, chẳng có dư”?

Thử điểm qua 3 thói quen chi tiêu độc hại này, bạn sẽ tìm được đáp án cho câu hỏi phía trên.

1 – Chi tiêu trước, tiết kiệm sau

Warrent Buffett từng nói thế này: “Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu, hãy chi tiêu những gì còn lại sau khi đã tiết kiệm”.

Phần lớn những người đã hình thành được thói quen tiết kiệm và có một khoản tiền “dắt túi” đều hiểu được lời khuyên này của vị “Sói già phố Wall”. Còn những người chẳng tiết kiệm được đồng nào thì khác. Thay vì tiết kiệm trước, chi tiêu sau, họ làm ngược lại. Cứ chi tiêu xả láng, thoải mái đã rồi còn dư bao nhiêu thì tiết kiệm bấy nhiêu. Nhưng thực tế thì hiếm khi nào còn dư để tiết kiệm, đúng chứ?

Ảnh minh họa

Việc tiết kiệm trước, chi tiêu sau cũng giống hệt việc đặt ra deadline cho một nhiệm vụ trong công việc vậy. Đến đúng giờ này, ngày này, bạn biết mình sẽ phải hoàn thành đầu việc đó. Không có deadline, đương nhiên phần lớn chúng ta sẽ ưu tiên việc vui chơi trước, chứ mấy ai mà chịu hoãn cuộc chơi để lao vào làm việc. Thói quen đổ tiền vào tài khoản tiết kiệm trước và chi tiêu phần còn lại cũng tương tự. Tiền được tiêu chỉ có nhiêu đó, có muốn mua sắm thêm, vui chơi thêm cũng tự khắc phải biết giữ mình.

2 – Suy nghĩ “tiết kiệm số tiền nhỏ thì chẳng đáng bao nhiêu”

Tạm bỏ qua vấn đề tiết kiệm để xem xét một ví dụ thế này: Bạn đặt một cốc trà sữa, sau khi áp đủ mã giảm giá, giá tiền bạn phải thanh toán cho cốc trà sữa này là 50k, rẻ quá phải không? 50k đúng là cũng chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng nếu bạn uống trà sữa 5 lần/tuần, số tiền bạn cần chi cho thú vui này là 1 triệu/tháng, là 12 triệu/năm.

Ảnh minh họa

50k có thể là số tiền nhỏ, 1 triệu có thể cũng vẫn là số tiền không lớn cho lắm nhưng 12 triệu thì khác. Đây là số tiền bằng, thậm chí còn hơn cả 1 tháng lương của phần lớn người trẻ mới ra trường.

Ví dụ này chính là cách lý giải cho hiệu ứng Latte trong quản lý chi tiêu – Thuật ngữ được giới thiệu bởi David Bach – Doanh nhân, đồng thời là nhà sáng lập của website finishrich.com. Hiểu một cách đơn giản, hiệu ứng Latte chính là một khoản chi lớn ngoài sức tưởng tượng được “góp nhặt” từ những khoản chi nhỏ cố định mỗi ngày.

Giờ thì quay trở lại vấn đề tiết kiệm và suy nghĩ “tiết kiệm số tiền nhỏ thì chẳng đáng bao nhiêu”. Nếu việc chi tiêu một số tiền nhỏ mỗi ngày có thể tạo thành khoản chi lớn như những gì mà hiệu ứng Latte khẳng định, hiển nhiên việc tiết kiệm một số tiền dù nhỏ nhưng đều đặn mỗi ngày sẽ giúp bạn có được khoản tiết kiệm “đâu ra đấy”.

Nếu bạn chịu tiết kiệm 30k/ngày – một số tiền rất nhỏ, còn chưa bằng một bát phở, sau một năm số tiền bạn có sẽ là 10,9 triệu đồng.

3 – Mua sắm theo xu hướng, thay vì mua thứ bản thân thực sự cần

“Ôi cái váy này đang giảm từ 800k xuống còn 499k này, sale đậm sâu quá, phải mua thôi”.

“Màu son này mới ra cũng xinh, cũng hợp với mình, mua!”.

Bạn có từng rơi vào trạng thái như trên không? Quần áo đang chen nhau trong tủ, chẳng còn chỗ mà treo nhưng thấy đồ mới xinh quá, vẫn phải mua mới cảm thấy yên lòng. Son trong túi đã có trên dưới chục thỏi, có thỏi mới quẹt 3-4 lần, thấy màu mới ra vẫn cứ nhấp nhổm chốt đơn cho bằng được?

Mua sắm theo xu hướng thay vì mua thứ bản thân thực sự cần là một cái bẫy. Quần áo mỗi mùa đều có mẫu mới, giày dép, son phấn hay nói chung là các sản phẩm làm đẹp cũng chẳng phải ngoại lệ. Chạy theo xu hướng chỉ khiến ví tiền của bạn nhanh chóng đạt tới trạng thái thoi thóp mà thôi.

Trên đây chính là 3 thói quen khiến tình hình tài chính cá nhân của bạn luôn đi cùng một tiếng “nghèo”. Giờ thì tự hỏi bản thân xem trong năm qua, mình hết tiền, mình không có dư là vì những yếu tố khách quan hay là do chính mình?

Nguồn
Phụ nữ mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Back to top button